Rầy nâu hại lúa – Đặc điểm hình thái, khả năng gây hại và biện pháp phòng trừ

Thông tin khoa học về rầy nâu: 

  • Tên khoa học: Nilaparvata lugens stal
  • Bộ: Homoptera
  • Giới: Animalia
  • Họ: Delphacidae
  • Loài: N. lugens
  • Lớp: Insecta

Đặc điểm hình thái:

  • Trứng:

Thời gian ủ trứng rầy từ 5 – 14 ngày. Rầy đẻ trứng bên trong bẹ lúa thành từng hàng, mỗi hàng có từ 8 – 30 trứng. Trứng rầy nở sau 6 – 7 ngày, có độ dài từ 0.3 – 0.4 mm, có một đầu to và một đầu nhỏ, hình dạng giống quả chuối. Lúc mới đẻ, trứng rầy trong suốt. Đến thời điểm gần nở, trứng rầy chuyển sang màu vàng.

Trứng rầy 

  • Rầy non:

Rầy non dài từ 1 – 3 mm. Rầy non có 5 tuổi, thời gian từ 12 – 32 ngày. Lúc rầy mới nở có màu trắng xám. Rầy tuổi 2 – 3 có màu nâu vàng. Ở các nơi có mật số cao, rầy có màu nâu sẫm.   

  • Rầy trưởng thành:
  • Rầy trưởng thành có màu nâu, có 2 dạng cánh: 
  • Cánh dài phủ kín thân: chủ yếu để bay đi tìm thức ăn.
  • Cánh ngắn phủ ⅔ thân: phủ đến đốt thứ 6 của thân mình. Loại cánh này phát sinh khi thức ăn đầy đủ, thời tiết thích hợp và có khả năng đẻ trứng cao.
  • Rầy đực trưởng thành có kích thước từ 3.6 – 4 mm, nhỏ hơn rầy cái trưởng thành, kích thước từ 4 – 5 mm. 
  • Rầy thường tập trung thành đám ở trên thân cây lúa, phía dưới khóm để hút nhựa. Khi bị khua động, rầy sẽ lẩn trốn bằng cách bò ngang, xuống nước hoặc nhảy sang cây khác. 

Rầy trưởng thành cánh ngắn; B. Rầy trưởng thành cánh dài 

Khả năng gây hại:

– Rầy nâu chích hút nhựa cây, làm cây lúa khô héo, chậm sinh trưởng và phát triển. Khi chích hút, rầy sẽ tạo các vệt màu nâu cứng trên thân và lá lúa, cản trở sự luân chuyển chất dinh dưỡng và nước trong cây. Khi mật độ rầy cao – vượt ngưỡng, cây lúa bị khô lại, gây hiện tượng “cháy rầy”. 

Hiện tượng cháy rầy 

– Rầy nâu là tác nhân truyền vi-rút gây bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá,… trên lúa theo cơ chế hút chích các cây lúa bị bệnh, mang theo vi-rút nhiễm bệnh và truyền sang các cây lúa khỏe. Khi chích hút, rầy còn tiết nước bọt làm phân hủy mô cây, làm cây lúa héo dần do quá trình vận chuyển nhựa cây bị tắc nghẽn.

Bệnh lùn xoắn lá 

Bệnh vàng lùn 

– Ngoài ra, rầy nâu khi chích hút vào thân cây sẽ tạo ra các vết thương cơ giới thuận lợi cho nấm và vi khuẩn tấn công và gây hại cho cây lúa.  



Rầy nâu thường tập trung ở phần gốc lúa để chích hút nhựa cây  

Biện pháp phòng trừ:   

  • Cày bừa, trục kỹ, vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ, kết hợp thăm đồng thường xuyên để kiểm soát tình hình ruộng và có phương án phòng trừ kịp thời.  
  • Đảm bảo mật độ gieo sạ hợp lý, không gieo sạ quá dày, cấy dày.  
  • Lựa chọn giống lúa có chất lượng tốt, giống kháng rầy hoặc ít nhiễm rầy.  
  • Không trồng lúa liên tục trong năm, thời gian cách ly giữa 2 vụ dao động ít nhất từ 20 đến 30 ngày. 
  • Bảo vệ thiên địch của rầy nâu trong thiên nhiên.  
  • Bón phân cân đối và hợp lý. Chú ý không bón thừa phân đạm, có thể tăng lượng phân lân và kali theo mức độ phù hợp để tăng sức đề kháng cho cây. 
  • Phun thuốc trừ rầy khi mật độ rầy vượt ngưỡng. Chú ý phun thuốc theo đúng nguyên tắc “4 đúng” trong sử dụng thuốc BVTV: “Đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách”. Khi sử dụng thuốc BVTV trong phòng trừ rầy nâu, nên lựa chọn các hoạt chất có khả năng diệt mọi tuổi rầy, sử dụng luân phiên hoặc kết hợp để trừ rầy kháng thuốc.