Không phải đến khi dịch Covid-19 xuất hiện thì việc tiêu thụ trái thanh long ở tỉnh Bình Thuận mới gặp khó khăn, mà trong nhiều năm qua, do bị phụ thuộc vào đầu ra sản phẩm nên tình trạng “được mùa, mất giá” liên tục xảy ra khiến người nông dân và chính quyền địa phương “đau đầu”.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, với diện tích trên 33.000ha, sản lượng hàng năm đạt trên 700.000 tấn, địa phương đang là vùng trồng chuyên canh cây thanh long lớn nhất Việt Nam. Hiện nay, hơn 80% sản lượng trái thanh long tươi của tỉnh chủ yếu được xuất khẩu qua Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, số còn lại được tiêu thụ trong nước và một phần rất nhỏ được xuất khẩu chính ngạch qua các thị trường khó tính khác.
Thực tế cho thấy, do quá lệ thuộc vào một thị trường tiêu thụ; năng lực sơ chế, chế biến sản phẩm sau thu hoạch còn thiếu và yếu; việc liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa nông dân và doanh nghiệp thu mua còn chưa được chú trọng… đã khiến giá trái thanh long của tỉnh Bình Thuận bấp bênh, nhiều nông dân rơi vào hoàn cảnh thua lỗ, ít có động lực đầu tư tái sản xuất. Mặt khác, thanh long chủ yếu được xuất khẩu theo dạng tươi nên gặp khó khăn trong việc bảo quản, nhất là thời điểm thanh long chín rộ. Do vậy, ngoài việc triển khai các biện pháp nâng cao chất lượng trái thanh long để mở rộng thị trường tiêu thụ thì vấn đề khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến các loại sản phẩm hàng hóa từ trái thanh long cần được đầu tư tương xứng.
Minh chứng là nhiều cơ sở, doanh nghiệp tại tỉnh Bình Thuận đang chủ động trong việc chế biến sâu từ trái thanh long và đã đạt được hiệu quả tích cực. Trong đó, trái thanh long sau khi qua công đoạn chế biến đã được người tiêu dùng đón nhận như: thanh long sấy khô, thanh long dẻo, nước ép và rượu vang từ thanh long. Hay như mới đây, ông Trần Văn Liêm, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Nước ép Phúc Hà (huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) đã mạnh dạn đầu tư máy móc, công nghệ tách hạt của nước ngoài, sản xuất sản phẩm hạt thanh long xuất khẩu qua Hàn Quốc với giá 250USD/kg để sử dụng làm nguyên liệu ngành mỹ phẩm và y tế.
Việc đa dạng hóa các sản phẩm từ thanh long đang được xem là hướng đi phù hợp để không chỉ giải quyết đầu ra tại chỗ, nhất là thời điểm thanh long bị rớt giá, khó tiêu thụ mà còn góp phần làm đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm thanh long. Một tín hiệu vui là mới đây, Viện Nghiên cứu và Phát triển ứng dụng các hợp chất thiên nhiên (INAPRO) đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận để triển khai Chương trình khoa học công nghệ ứng dụng công nghệ JEVA trong chế biến sâu quả thanh long thành nhiều sản phẩm khác nhau có chất lượng cao, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Từ sự chủ động của doanh nghiệp, chính quyền địa phương và sự hỗ trợ của các chương trình khoa học, công nghệ đang được coi là bước đệm, để doanh nghiệp tiêu thụ, chế biến thanh long trên địa bàn tỉnh Bình Thuận mạnh dạn đầu tư, phát triển các sản phẩm mới, tìm kiếm thị trường, từng bước nâng giá trị sản phẩm lợi thế của địa phương.
Nguồn: Tin tức Nông nghiệp