Theo giới chuyên gia trong ngành, việc giá tiêu chưa thể vượt 90.000 đồng/kg là bởi áp lực bán ra chốt lời của giới đầu cơ và nông dân đang còn hàng để có tiền trang trải nợ nần và phân bón.
Thị trường rung lắc ở những ngưỡng giá quan trọng
Thị trường hồ tiêu bắt đầu tháng 11 với những tín hiệu tốt khi giá quay trở lại mốc 90.000 đồng/kg. Tuy nhiên, mức giá này chỉ duy trì trong hai ngày đầu tháng sau đó nhanh chóng điều chỉnh về mức giá 88.000 đồng/kg.
Dường như đây không phải lần đầu tiên thị trường tiêu “rung lắc” khi đạt được mốc giá tròn trịa nào đó. Trước đó, khi giá tiêu đạt được các ngưỡng giá như 60.000, 70.000 và 80.000 đồng/kg cũng đã xảy ra các đợt điều chỉnh kéo dài trong nhiều ngày liên tiếp sau đó bật tăng để vượt các ngưỡng này.
Lý giải cho hiện tượng trên, ông Hoàng Phước Bính, Phó chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) cho rằng đây là các ngưỡng giá quan trọng, tác động nhiều đến tâm lý người đang có hàng, nhất là thời điểm nguồn cung hạn hẹp như hiện nay.
“Các đại lý, giới đầu cơ hay thậm chí người dân có hàng thường bán ra nhiều hơn ở ngưỡng giá tròn trịa với mục đích khác nhau. Đối với đại lý và giới đầu cơ thì đây là thời điểm chốt lời. Còn với người dân là tâm lý chờ đợi giá tốt để bán nhằm trang trải công nợ, tiền phân bón…”, ông Bính nói.
Tâm lý của giới đầu cơ lướt sóng có lẽ chịu tác động mạnh nhất bởi chiến lược của họ là mua – bán ngắn hạn. Khi giá tốt sẽ lập tức bán để chốt lời, khác với những đại lý mua tích trữ rải rác trong năm.
Ông Võ Duy Tường, Giám đốc Công ty TNHH Bách Sinh, ở thị xã Gia Nghĩa (Đăk Nông) cho biết trong xu thế tăng sẽ có số đông người đầu cơ ngắn hạn, lướt sóng. Ngoài ra, thị trường còn có những “cá mập” với tiềm lực tài chính mạnh và mua theo chiến lược tầm xa, tức đã mua gom từ trước đó rất lâu. Khi mua đủ lượng hàng dự kiến họ coi như “quên”.
Trong đó, số lượng cá nhân, đại lý đầu cơ lướt sóng không phải là ít. Nhóm này luôn căng thẳng canh giá, nghe ngóng tín hiệu thị trường đi lên.
“Người nào “bén” hoặc không muốn “đứng tim” thì lo chốt lời trước “cá mập” xả hàng. Người nào “lỳ” hơn thì cứ để giảm thật sự, bán rẻ hơn thị trường, thoát hàng tuỳ trạng thái tài chính”, ông Tường cho biết.
Thế nhưng hoạt động đầu cơ này được xem là trò “đen – đỏ”, ảnh hưởng đến hoạt động thu mua của doanh nghiệp xuất khẩu. Bởi, có nhiều lúc doanh nghiệp cần hàng để xuất bán nhưng không thể mua vì đầu cơ găm hàng.
Điều này cũng đã từng xảy ra thời điểm đầu năm nay khi giá tiêu liên tục tăng phi mã nhưng hàng chỉ quanh quẩn ở nội địa, doanh nghiệp không thể mua để xuất bán.
Nhưng khi giá có dấu hiệu giảm, hàng liên tục bị bán tháo. Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu tiêu top đầu của Việt Nam cho biết thời điểm đó, có lúc công ty ông thậm chí phải huy động nhân lực và tăng ca ngày cuối tuần để thu mua hàng.
Giá tiêu có thể chinh phục mốc 100.000 đồng/kg?
Việc giá tiêu rung lắc ở mốc 90.000 đồng/kg khiến nhiều người hoài nghi về khả năng chinh phục mốc 100.000 đồng/kg như được kỳ vọng trước đó.
Theo ông Bính, có hai kịch bản xảy ra từ nay đến cuối năm. Kịch bản thứ nhất, nếu thương lái Trung Quốc hạn chế sang mua để chuẩn bị cho dịp lễ tết, giá tiêu sẽ vẫn tăng nhưng không quá mạnh, tối đa 100.000 đồng/kg.
Ở kịch bản ngược lại nếu Trung Quốc tăng cường đơn hàng, giá tiêu thậm chí vượt mốc quan trọng 100.000 đồng/kg. Vị này cho hay, hiện lượng hàng mà thương lái Trung Quốc mua mới chỉ bằng 3/4 so với mọi năm.
Trong khi đó, ông Tường tỏ ra khá bi quan về khả năng giá tiêu có thể đạt được 100.000 đồng/kg bởi thị trường đang dần yếu. Mỗi khi có lượng bán ra nhìn chung chỉ có lượng chốt lời của đầu cơ nhỏ lẻ.
“Quan sát thị trường thấy cũng rơi rụng một số đầu cơ “tiền vay bạc mượn”. Ai có quan tâm đến hồ tiêu nội địa thì lúc này có thể thấy rõ nhất của sự “nhồi lên đạp xuống” ở mức 90.000 đồng/kg – mốc quan trọng để chinh phục ngưỡng 100.000 đồng/kg. Do đó, đừng nên mơ 100.000 đồng/kg mà hãy nghĩ con số 90.000 đồng/kg trước đã.”, ông Tường nói.
Trước đó, trong 10 ngày cuối cùng tháng 10, giá tiêu cũng đã từng chạm mốc 90.000 nhưng sau đó lại giảm xuống và tiếp tục nỗ lực phá vỡ vùng giá này lần 2 trong đầu tháng 11 nhưng thất bại.
Thời gian qua, nguồn cung khan hiếm đã đẩy giá hạt tiêu tại thị trường nội địa ở mức cao. Lượng hàng bán ra rất ít, một phần do nguồn cung trong dân gần như đã hết. Theo ước tính của Hiệp hội tiêu Việt Nam (VPA), sản lượng tiêu cả nước trong năm 2021 có thể giảm tới 25% xuống 180.000 tấn.
Các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng giúp hàng hóa lưu thông tốt, hoạt động xuất khẩu diễn ra bình thường.
Quý III/2021, giá hạt tiêu đen và hạt tiêu trắng biến động trong biên độ hẹp và giữ ở mức cao. Xu hướng tăng giá diễn ra trong cả tháng 10/2021 nhờ nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc tăng mạnh.
Tuần cuối tháng 10/2021, giá hạt tiêu đen tại thị trường nội địa ở mức 88.500 đồng/kg, tăng 8.500 đồng/kg so với cuối tháng 9/2021. Thậm chí có thời điểm giá tiêu chạm mức 90.000 đồng/kg. Tính từ đầu năm đến hết tháng 10, giá tiêu đen tăng tới 70%.
Không chỉ giá tiêu trong nước mà giá tiêu xuất khẩu cũng tăng phi mã 71% đạt hơn 3.400 USD/tấn trong 10 tháng đầu năm, giúp “cứu nguy” cho hoạt động xuất khẩu mặt hàng này. Mặc dù lượng hồ tiêu xuất khẩu trong 10 tháng đầu năm giảm 5,7% nhưng kim ngạch vẫn tới 44%, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Theo ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, hiện khách hàng thậm chí đã chậm mua với giá tới 4.200 USD/tấn, cao gấp đôi so với hồi đầu năm vì nguồn cung khan hiếm và cước vận tải tăng mạnh. Do đó, ở thị trường tiêu nguyên liệu trong nước, giá tiêu cũng có thể cán mốc 100.000 đồng/kg
Nguồn: Vietnambiz