CÁC HOẠT CHẤT PHÒNG TRỪ RẦY PHỔ BIẾN TRÊN THỊ TRƯỜNG HIỆN NAY

Rầy nâu là một trong những loại côn trùng gây tổn thất nghiêm trọng và nặng nề nhất trên cây lúa. Không chỉ chích hút nhựa cây, làm cây suy kiệt và cho năng suất kém, rầy nâu còn là tác nhân chính – lan truyền vi-rút gây bệnh trên cây lúa, như bệnh vàng lùn, bệnh lùn xoắn lá, bệnh lùn lúa cỏ,… 

Để phòng trừ rầy nâu, nhà nông thường áp dụng những biện pháp canh tác, như cày bừa, trục đất kỹ, bảo vệ thiên địch, gieo sạ với mật độ hợp lý,… Tuy nhiên, khi rầy bùng phát mạnh và mật độ rầy cao – khó kiểm soát, nông dân có thể sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để quản lý rầy nhanh chóng và hiệu quả.

Hiện tại, trên thị trường thuốc BVTV nói chung và thuốc trừ rầy nói riêng vô cùng đa dạng về thành phần hoạt chất và tính năng phòng trừ. Do đó, nông dân cần nên hiểu rõ về cơ chế hoạt động, khả năng quản lý và cách thức liều dùng của từng hoạt chất để đảm bảo hiệu quả phòng trừ rầy nâu trên lúa tối ưu. 

 

Một số hoạt chất trừ rầy nâu phổ biến hiện đang được lưu hành và sử dụng: 

Nhóm thuốc Neonicotinoid:

  • Thiamethoxam:

Thiamethoxam là chất tổng hợp, thuộc nhóm thuốc Neonicotinoid và nhóm độc III (WHO). Thiamethoxam hoạt động theo cơ chế tiếp xúc, vị độc, và lưu dẫn. Khi phun vào cây, thuốc được hấp thu nhanh và có tính hướng ngọn, giúp diệt trừ hữu hiệu rầy non và rầy trưởng thành. 

Côn trùng hấp thụ chất này trong dạ dày qua đường miệng, qua tiếp xúc trực tiếp, và cả qua hệ thống khí quản. Sau khi được hấp thu, hoạt chất này tác động lên một số thụ thể trong khớp thần kinh côn trùng, từ đó ảnh hưởng đến các chức năng bên trong cơ thể, làm co giật, tê liệt và chết côn trùng. Ngày nay, người ta sử dụng Thiamethoxam để kiểm soát hiệu quả các loài côn trùng chích hút nhựa cây như rầy, rệp, bọ trĩ,… 

  • Dinotefuran:

Dinotefuran là chất tổng hợp, thuộc nhóm thuốc Neonicotinoid và nhóm độc III (WHO). Thuốc hoạt động theo cơ chế vị độc, tiếp xúc, nội hấp, làm gián đoạn hệ thần kinh của côn trùng bằng cách ức chế thụ thể acetylcholine nicotinic. Dinotefuran hoạt động hiệu quả khi quản lý phòng trừ rầy non và rầy trưởng thành. Hiệu lực của thuốc phát huy nhanh, thể hiện rõ sau vài giờ phun.

  • Acetamiprid: 

Acetamiprid thuộc nhóm thuốc Neonicotinoid và nhóm độc II (WHO). Thuốc có tác động tiếp xúc, vị độc và lưu dẫn mạnh. Acetamiprid hoạt động theo cơ chế phá vỡ các chức năng quan trọng trong hệ thần kinh côn trùng bị phơi nhiễm khi côn trùng tiếp xúc hoặc hấp thu chất độc vào cơ thể. Thuốc phát huy hiệu quả nhanh, tấn công vào hệ thần kinh – gián đoạn các tính hiệu của não đến toàn bộ cơ thể, làm côn trùng bị mất kiểm soát, tê liệt và tử vong chỉ trong nửa giờ đồng hồ.  

Acetamiprid quản lý hiệu quả rệp, bọ trĩ, rầy nâu, bọ phấn, đặc biệt có khả năng diệt cả ấu trùng, thành trùng và trứng rầy. 

  • Imidacloprid:

Imidacloprid thuộc nhóm thuốc Neonicotinoid và nhóm độc II (WHO). Thuốc hoạt động theo cơ chế tiếp xúc, vị độc và lưu dẫn hướng ngọn nhanh chóng sau khi phun. Imidacloprid tác động làm gián đoạn khả năng truyền dẫn tín hiệu của các dây thần kinh của côn trùng và làm hệ thống thần kinh ngừng hoạt động sau một khoảng thời gian nhất định tùy vào từng loài côn trùng. Thuốc diệt trừ nhanh rầy non và rầy trưởng thành.  

  • Clothianidin:

Clothianidin thuộc nhóm neonicotinoid, nhóm độc III (WHO). Thuốc hoạt động theo cơ chế tác động vào hệ thần kinh trung ương thông qua việc ức chế hình thành chất dẫn truyền tín hiệu Acetylcholine. Clothianidin mang lại hiệu quả cao trong phòng trừ – quản lý rầy non và rầy trưởng thành. 

  • Nitenpyram:

Nitenpyram thuộc nhóm neonicotinoid, thuốc có tác dụng ngăn chặn thần kinh và liên kết chặt chẽ trong hệ thống thần kinh trung ương của côn trùng, làm chết côn trùng nhanh chóng. Thuốc có hoạt tính cao, giúp quan quản lý hữu hiệu các loại rầy – rệp và côn trùng kháng thuốc.

Nhóm thuốc điều hòa sinh trưởng:

  • Buprofezin:

Buprofezin là hoạt chất thuộc nhóm điều tiết sinh trưởng côn trùng, độc nhóm III (WHO). Thuốc hoạt động theo cơ chế tiếp xúc, vị độc và xông hơi yếu. Buprofezin ngăn cản rầy – rệp lột xác, đẻ trứng, làm ung trứng, ức chế lột xác dẫn đến chết côn trùng gây hại. Tuy Buprofezin hạn chế được khả năng đẻ trứng của côn trùng, hoạt chất này không diệt được rầy – rệp trưởng thành.   

Buprofezin phát huy hiệu lực chậm, sau 2-3 ngày khi rầy non lột xác, tuy nhiên thời gian duy trì hiệu lực của thuốc kéo dài. Nên phun khi rầy còn tuổi nhỏ.

Lưu ý khi sử dụng thuốc BVTV trong phòng trừ và quản lý rầy:

– Tìm hiểu kỹ về hoạt chất, cơ chế tác động, liều lượng trước khi sử dụng.

– Tuân thủ quy tắc “4 đúng” trong sử dụng thuốc BVTV: Đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ liều lượng và đúng cách. Đọc kỹ các thông tin sản phẩm được in trên nhãn trước khi sử dụng.

– Khi kết hợp các hoạt chất nhằm gia tăng hiệu quả phòng trừ rầy, nên lựa chọn các hoạt chất đa dạng về cơ chế tác động. Ví dụ, kết hợp hoạt chất cơ chế vị độc, tiếp xúc với hoạt chất có tính lưu dẫn.

– Nên phun thuốc vào lúc trời mát, thời điểm sáng sớm hoặc tối muộn là tốt nhất.

– Bao bì thuốc BVTV đã qua sử dụng phải được thu gom theo đúng quy định, không được vứt bừa bãi, nhất là ở nơi gần nguồn nước.