Trong bài trước, AGC Việt Nam cùng quí bà con đã tìm hiểu sơ qua tác nhân gây bệnh, triệu chứng, cách gây hại và biện pháp quản lý các bệnh hại phổ biến trên cây có múi như: Tristeza, Greening, loét vi khuẩn, ghẻ nhám trong phần 1. Hôm nay, AGC Việt Nam tiếp tục cùng quí bà con tìm hiểu thêm một số bệnh gây hại trên cây cam quýt. Kính mời quí bà con theo dõi tiếp nội dung.
1. Bệnh nức thân xì mủ
1.1 Tác nhân gây bệnh
Bệnh thường gây hại nặng cho những vườn canh tác lâu năm, thường xuyên bị ngập úng, điều kiện vệ sinh vườn kém, mật độ trồng dày, ít được bón phân hữu cơ…
Do các loại nấm Phytophthora spp. gây ra. Chúng tấn công trên rễ, thân, cành, lá và trái làm giảm năng suất và chất lượng.
1.2 Triệu chứng và khả năng gây hại
Do các loại nấm Phytophthora spp. gây ra, chúng tấn công trên rễ, thân, cành, lá và trái làm giảm năng suất và chất lượng. Đặc biệt là khi tồn trữ ở kho đóng gói, trái sẽ bị thối nâu gây thiệt hại lớn.
Bệnh thường xuất hiện trên thân cây ở phần sát gốc, cổ rễ hoặc tại các vết ghép.
Nấm xâm nhập vào thân gây ra những vết thối màu nâu trên vỏ, những vết nứt theo chiều dọc của thân để lộ ra phần gỗ có màu nâu, chảy nhựa, lúc đầu có màu vàng, sau đó khô lại có màu nâu trong (gôm).
Nấm bệnh tấn công vườn ươm sẽ làm chết cây con, ở vườn mới trồng thì bị thối gốc, xì mủ và thối rễ.
Ở những vườn trồng lâu năm thì cây bị thối gốc, xì mủ, thối rễ hoàn toàn và thối nâu.
Sự nhiễm bệnh xảy ra thường thì do vết thương trên cây hoặc vết nứt của vỏ hay vùng kéo dài của đỉnh rễ.
Khi cây có triệu chứng bị nhiễm bệnh thì nấm bệnh đã xâm nhập trước đó, phát triển kéo theo hiện tượng xì mủ.
Cây bị nhiễm nặng, lá có màu xanh nhạt, gân lá có màu vàng, vết bệnh điển hình trên thân cây có hình giống như “đai thắt lưng” vì vùng bị ảnh hưởng có lớp mô mấu nhô lên xung quanh và vết bệnh sẽ ngưng phát triển nếu như nấm bệnh bị chết.
Nếu sử dụng gốc ghép kháng bệnh làm giống thì vết bệnh vẫn xuất hiện phần thân bên trên.
Khi cây bị nhiễm nặng, tán cây phát triển kém, lá bị rụng, thân cây bị vặn, chồi phát triển ngắn.
Trái bị nhiễm sẽ mất màu xanh vỏ trái mà chuyển sang màu nâu sáng trông giống da thuộc và có vẻ cứng rắn hơn vỏ bình thường.
1.3 Biện pháp quản lý
Điều kiện phát sinh, phát triển bệnh: Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện nhiệt độ thấp (15-250C), ẩm độ cao, đất trồng ẩm ướt thường xuyên, thoát nước kém trong mùa mưa, vườn trồng dầy, ít được tỉa cành tạo tán, bón phân không cân đối. Biện pháp khắc phụ như sau:
– Dùng gốc ghép kháng bệnh như cam chua, cam 3 lá… vết ghép phải cách mặt đất 30-50cm để hạn chế nấm bệnh xâm nhập qua vết ghép.
– Đất trồng phải thoát nước tốt, không nên tủ gốc trong mùa mưa, tưới ẩm cho cây trong mùa khô. Khai thông vườn bằng các mương nhỏ, không cho nước ứ đọng, trồng một số loài cỏ dại để tạo mặt đất tơi xốp, thông khí, mát vườn, chống xói mòn đất mặt và là nơi thu hút thiên địch trú ngụ.
– Tránh gây những vết thương cơ giới ở vùng rễ và thân gần gốc khi chăm sóc, trèo hái trái. Nếu là cây lâu năm, cây cao, cần mang dép trước khi vào vườn và bỏ dép khi trèo cây, tránh sự lây nhiễm trực tiếp hay gián tiếp.
– Sử dụng các loại phân có chứa đầy đủ đạm, lân, kali và các chất trung vi lượng.
– Khử trùng đất hay các hố trồng bằng vôi, sử dụng phân hữu cơ ngay khi đặt cây vào hố trồng. Nếu vườn đã trồng sẵn thì hàng năm bón thêm phân chuồng trộn với nấm Trichoderma (nấm đối kháng với một số nấm gây bệnh từ đất).
– Luôn vệ sinh vườn vì các tàn dư từ trái cây hay lá rụng dễ lưu tồn mầm bệnh. Cắt tỉa bỏ các cành quá thấp, gần mặt đất, tránh gây vết thương cho cây.
– Khi phát hiện bệnh có thể dùng một trong các loại thuốc: Alonil 75WP, Atopsuper 200SC, Nati 281EW,
2. Bệnh vàng lá thối rễ
2.1 Tác nhân gây bệnh
Bệnh vàng lá thối rễ do tổ hợp một số tác nhân, trong đó nấm Fusarium solani là nguyên nhân chính gây hiện tượng thối rễ. Tuyến trùng, rệp sáp đất và nhện hại rễ tạo ra các vết thương trên bộ rễ, làm giảm khả năng miễn dịch của bộ rễ, từ đó tạo điều kiện thuận lợi nấm Fusarium xâm nhập và gây hại.; rệp sáp hại rễ cũng có thể gây vàng lá nếu mật số cao.
Bệnh không xuất hiện ngay mùa mưa, lúc đất bị oi nước, mà thường xuất hiện nghiêm trọng trong đầu mùa nắng.
Nấm F. solani tiết ra độc tố làm lá héo, vàng, rụng và cây chết từ từ.
2.2 Triệu chứng và khả năng gây hại
Khi bệnh mới xuất hiện, lá vẫn bình thường nhưng gân lá có màu vàng nhạt, phiến lá ngả màu vàng cam dẫn đến rụng lá, khi có gió lá già phía dưới bị rụng trước. Bệnh có thể xuất hiện trên 1-2 cành hoặc toàn bộ cây. Khi cây bị bệnh nặng, toàn bộ lá biến vàng và rụng. Chất lượng quả bị kém và rụng sớm.
Bệnh nặng có thể làm chết cả cây; nhánh cây bị bệnh hướng nào thì rễ cũng thường bị thối ở hướng đó. Bộ rễ bị thối lan dần từ rễ nhỏ vào trong rễ lớn. Rễ bị thối có màu nâu, vỏ rễ tuột ra khỏi phần gỗ bên trong có sọc nâu lan dần vào rễ cái, có thể xuất hiện tơ nấm trắng. Khi khá nhiều các rễ tơ bị hư thối, cây sẽ có biểu hiện lá nhỏ và vàng do không hút được dinh dưỡng. Khi hầu hết các rễ tơ bị hỏng đồng loạt, cây sẽ có hiện tượng héo tạm thời do không hút được nước, cho dù ẩm độ đất đang cao.
Nếu không được chữa trị, hiện tượng thối sẽ lan lên các rễ lớn, cây suy kiệt dần và thậm chí bị chết. Trái của cây đang bị bệnh thường có màu sắc nhạt và không được tươi mọng, ruột quả xốp và khô nước, nhạt và hương vị kém…
2.3 Biện pháp quản lý
– Vườn trồng cây có múi đất phải cao ráo, thoát nước tốt, có bờ bao để kiểm soát nước trong mùa mưa lũ.
– Chọn cây giống sạch bệnh. Tỉa cành, tạo hình cho cây ngay khi cây còn nhỏ, thừng xuyên cắt tỉa, loại bỏ những cành già yếu, sâu bệnh, loại bỏ những cây bệnh nặng, không có khả năng phục hồi.
– Chế độ dinh dưỡng: Chủ yếu dựa vào nền phân hữu cơ hoai mục, có ủ với sản phẩm có nấm đối kháng Tricoderma. Bón bổ sung NPK khi cần, tránh dư đạm. Sử dụng vôi để giảm độ chua đất, giúp rễ phát triển và hấp thụ được phân lân. Chỉ xới, bón phân ở vùng quanh tán cây.
– Không dùng các chất kích thích ra hoa trái liên tục trong năm, sẽ làm cây suy kiệt, dễ bị bệnh. Có loại chất kích thích trực tiếp gây thương tổn rễ. Khi cần cây có trái quanh năm, cần đầu tư thâm canh cao độ và khoa học để cây không bị suy kiệt.
– Xử lý thuốc trừ tuyến trùng, rệp sáp đất và nhện hại rễ quanh vùng rễ như : định kỳ 2 – 3 lần/năm. Đặc biệt vào mùa khô.
– Phun thuốc BVTV khi bệnh chớm xuất hiện rải rác vài nhánh trên tán cây bằng cách tưới phun thuốc có hoạt chất Mancozeb hoặc Cholorothalonil và kết hợp với thuốc trừ tuyến trùng . Lưu ý, chỉ sử dụng nấm đối kháng Trichoderma sau khi xử lý thuốc 15-20 ngày.
– Đối với những vườn chưa bị nhiễm bệnh chủ động cắt tỉa cành, bón phân cân đối, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học (Trichoderma) tạo điều kiện cho bộ rễ phát triển tốt, khỏe, hạn chế tác động đến phần gốc của cây làm tổn thương bộ rễ.
– Khi trồng cây mới hoặc thay thế cần chọn chân đất cao, thoát nước, có rãnh thoát nước tốt, không trồng mật độ quá dầy và tuyệt đối không trồng trên chân đất đã bị nhiễm bệnh; ưu tiên cao cho việc sử dụng giống sạch bệnh, có nguồn gốc xuất sứ rõ ràng.
– Đối với những vườn đã bị nhiễm bệnh: Vườn bị nhiễm nhẹ cần tập trung chăm sóc, phục hồi, tạo độ thông thoáng cho gốc tránh bó gốc, sử dụng nhóm thuốc có hoạt chất Fosetyl-aluminium tưới trực tiếp vào phần gốc cây bị bệnh, kết hợp bón phân hữu cơ vi sinh, phân bón lá giàu vi lượng, lân để giúp cây nhanh phục hồi. Những vườn cây bị nhiễm nặng không có khả năng phục hồi cần tiến hành chặt bỏ, đào gốc và rễ, sau đó xử lý đất bằng vôi bột, sử dụng các chế phẩm nấm đối kháng xử lý đát và không trồng thay thế các cây trồng mới vào vị trí cây bị bệnh.
3 Bệnh thán thư
3.1 Tác nhân gây bệnh
Bệnh thán thư phát triển và gây hại nhiều trong mùa mưa. Nấm bệnh tồn tại trong tàn dư thực vật từ mẫu bệnh. Các quả nằm khuất trong tán cây thường bị bệnh nặng hơn. Nấm không những ký sinh trên mô sống mà còn có thể sống hoại sinh trên những mô cây chết hoặc bên dưới tán cây.
Bào tử nấm gây bệnh lây lan chủ yếu qua nước mưa, bộ phận cây bị nhiễm bệnh, hom giống, qua gió, nguồn nước tưới ô nhiễm và qua dụng cụ cắt tỉa.
Lượng mưa ít nhưng ban đầu vẫn có những đợt sương ẩm nhiều cũng là điều kiện thích hợp cho bệnh phát triển nhiều lên và gây hại nặng thêm.
3.2 Triệu chứng và khả năng gây hại
Bệnh gây hại trên lá, hoa và trên trái.
Trên lá: Bệnh có thể gây hại ở nhiều vị trí khác nhau, nhưng bệnh thường gây hại ở chóp lá và mép lá. Vết bệnh có màu vàng nâu, hình hơi tròn, sau đó vết bệnh lớn dần, xung quanh có viền nâu đậm, giữa vết bệnh màu vàng nhạt, vết bệnh có nhiều vòng đồng tâm và trên bề mặt vết bệnh có những chấm đen nhỏ li ti, đó là các ổ nấm và làm cho vòng đồng tâm có màu đậm hơn. Nhiều vết bệnh liên kết lại làm lá bị cháy thành mảng lớn, lá rụng sớm, ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây.
Trên hoa: Bệnh tạo thành các đốm bệnh có màu nâu cam trên cánh hoa, làm rụng hoa để lại cuống, đài hoa.
Trên quả: Xuất hiện những đốm nhỏ tròn, màu vàng nhạt trên vỏ quả, vết bệnh hơi lõm vào vỏ. Vết bệnh trên vỏ bị khô sần sùi, bệnh càng nặng vết bệnh càng lan rộng, khi quả bị nứt do bệnh thán thư thì ngay vết bệnh và có nhựa chảy ra (điều kiện ẩm độ cao). Lá và quả thường bị rụng, cành bị khô.
3.3 Biện pháp quản lý
– Tạo tán, tỉa cành: cần làm ngay từ khi cây còn nhỏ để cho cây lớn sau này có một bộ cành lá thấp, gọn và phân bố đều các mặt để nhận được nhiều ánh sáng, vườn cây thông thoáng, cây sinh trưởng tốt, đồng thời góp phần hạn chế sự phát triển của bệnh.
– Vệ sinh vườn cây: cắt bỏ các cành lá và quả bị bệnh tập trung tiêu hủy để hạn chế nguồn bệnh tồn tại là lan truyền. Nếu bị bệnh nặng trước khi phun thuốc cần vệ sinh vườn, góp phần nâng cao hiệu quả của thuốc.
– Chăm bón đầy đủ: Các biện pháp chăm bón chủ yếu là tưới tiêu nước và bón phân giúp cây sinh trưởng tốt, khỏe mạnh, tăng sức chống chịu bệnh. Trong mùa mưa không để vườn cây quá ẩm thấp, có biện pháp thoát nước nhanh sau khi mưa lớn. Chú ý bón đầy đủ phân và cân đối NPK, có bổ sung các chất trung vi lượng thích hợp với từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây.
– Khi bệnh phát sinh gây hại cần dùng thuốc trừ bệnh như: Alonil 75WP, Mekongvil 5sc, Atopsuper 200SC, Nati 281EW,…
Để các thuốc trừ bệnh có hiệu quả cao cần phun đúng lúc khi bệnh mới phát sinh, cỏ thể phải phun 2-3 lần cách nhau 7-10 ngày, phun đủ lượng nước, đồng thời kết hợp áp dụng các biện pháp khác.
4 Các bệnh gây hại khác
Ngoài các loại bện kể trên, trên cây có múi còn bị các tác nhân gây bệnh khác như: bệnh đốm mỡ, đốm nâu, melanose (tàng nhang), nấm bồ hóng
Tên bệnh hại | Tác nhân | Triệu chứng, gây hại | Biện pháp quản lý |
Đốm mỡ | Nấm Mycosphaerella citri. | Gây hại nặng trên Bưởi và Chanh.
Triệu chứng ban đầu là những đốm màu nâu đen, bề mặt bằng phẳng, sau đó chúng lan rộng và trở nên sẫm màu hơn, các vết phồng rộp bắt đầu xuất hiện và một đốm màu tương ứng sẽ xuất hiện ở mặt bên kia của lá. Các vết phồng rộp sau đó sẽ xẹp xuống và chuyển màu nâu đậm đến đen Bệnh thường gây hại trên các lá già. |
Trồng cây thưa, thông thoáng
Thường xuyên thăm vườn, vệ sinh vườn Bón phân cân đối, sử dụng nhiều phân hữu cơ. Khi vườn xuất hiện bệnh cần cắt tỉa cành bệnh, thu gom cành lá bệnh ra khỏi vườn trước khi phun thuốc Alonil 75WP, Siêu trừ nấm khuẩn. |
Đốm nâu | Nấm Alternaria Alternata | Trên lá, vết bệnh ban đầu là những chấm nhỏ màu nâu đen với quầng vàng bao quanh, bề mặt vết bệnh bằng phẳng, về sau vết bệnh có hình tròn với tâm sáng màu và viền nâu đen bao quanh. Độc tố do nấm tạo ra có thể gây hoại tử dọc theo gân lá nơi vết bệnh.
Trên trái, vết bệnh ban đầu là những đốm màu nâu hơi lõm với rìa màu vàng nhạt. Hình thành mô nhô lên khỏi bề mặt vết bệnh, phần mô có thể rơi ra khỏi vỏ để lại vết lõm trên vỏ trái. Bệnh gây hại sớm lúc cây đang ra đọt non có thể làm rụng lá và trụi cành |
Trồng cây thưa, thông thoáng
Thường xuyên thăm vườn, vệ sinh vườn Bón phân cân đối, sử dụng nhiều phân hữu cơ. Khi vườn xuất hiện bệnh cần cắt tỉa cành bệnh, thu gom cành lá bệnh ra khỏi vườn trước khi phun thuốc Alonil 75WP, Siêu trừ nấm khuẩn. |
Melaniose | Nấm Diaporthe citri | Vết bệnh ban đầu là những chấm nhỏ màu nâu, rời rạc nhau, có quầng vàng bao quanh. Về sau, những đốm này to lên, chuyển màu nâu đen và nhô lên trên bề mặt lá. Những đốm này làm cho bề mặt lá có kết cấu thô ráp như giấy nhám.
Vết bệnh trên trái ban đầu là những nốt sần sùi, sau đó phát triển rộng ra và có thể kết hợp với nhau tạo mảng lớn, những mảng này sau đó sẽ nứt ra để lại triệu chứng “sần sùi” rất đặc trưng trên trái |
rồng cây thưa, thông thoáng
Thường xuyên thăm vườn, vệ sinh vườn Bón phân cân đối, sử dụng nhiều phân hữu cơ. Khi vườn xuất hiện bệnh cần cắt tỉa cành bệnh, thu gom cành lá bệnh ra khỏi vườn trước khi phun thuốc Alonil 75WP, Siêu trừ nấm khuẩn. |
Nấm bồ hóng | nấm Capnodium citri | Loài nấm này sống hoại sinh trên lớp mật do các loài rầy rệp tiết ra (trong chất bài tiết của chúng). Chúng tạo ra một lớp bồ hóng, màu đem bao phủ toàn bộ bề mặt lá, trái, cành non của cây mà không tạo thành từng đốm riêng biệt.
Cản trở quá trình quang hợp, ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây, giảm năng suất, chất lượng quả. |
Dùng máy bơm nước áp suất mạnh xịt vào chỗ có rầy rệp và lớp bồ hóng.
Để diệt nhanh nấm bồ hóng bạn có thể sử dụng thêm một trong số các thuốc: Alonil 75WP, Siêu trừ nấm khuẩn |