UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình Quốc gia Phát triển công nghệ cao (CNC) trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.
Kế hoạch đề ra mục tiêu đến năm 2025 về nghiên cứu, ứng dụng, phát triển CNC (thuộc Danh mục CNC được ưu tiên đầu tư phát triển, Danh mục sản phẩm CNC được khuyến khích phát triển được Thủ tướng Chỉnh phủ phê duyệt đối với các lĩnh vực ưu tiên bao gồm công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ thông tin và truyền thông) hỗ trợ ít nhất 2 doanh nghiệp (DN), các tổ chức khoa học và công nghệ triển khai các dự án ứng dụng CNC trên cơ sở kết quả nghiên cứu của các nhiệm vụ khoa học và công nghệ được nghiệm thu theo quy định, các hợp đồng chuyển giao công nghệ hoặc các thỏa thuận hợp tác về khoa học và công nghệ.
Về phát triển công nghiệp CNC, triển khai các hoạt động ứng dụng CNC nhằm tăng giá trị sản xuất công nghiệp CNC đạt từ 5 – 10% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp và tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm CNC đạt ít nhất 5% trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của tỉnh. Có ít nhất 2 dự án ứng dụng/DN được công nhận là dự án ứng dụng/DN CNC.
Đối với phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC nâng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đến năm 2025 chiếm 5% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh; trên 5% hộ sản xuất, trên 10% DN ứng dụng các biện pháp kỹ thuật mang tính CNC về giống, quy trình canh tác, công nghệ sau thu hoạch. Đồng thời, hình thành ít nhất 2 vùng sản xuất nông nghiệp CNC đối với sản phẩm chủ lực của tỉnh và một số ngành hàng có tiềm năng; có ít nhất 5 DN được công nhận là DN nông nghiệp ứng dụng CNC; có ít nhất 15 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng CNC. Có ít nhất 2 dự án ứng dụng CNC, sản xuất tiên tiến cơ giới hóa toàn diện, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, bảo quản và chế biến; canh tác hữu cơ, canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu, sản xuất tuần hoàn được đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Đến năm 2030, Kế hoạch đề ra mục tiêu về nghiên cứu, ứng dụng, phát triển CNC hỗ trợ ít nhất 5 DN, các tổ chức khoa học và công nghệ triển khai các dự án ứng dụng CNC trên cơ sở kết quả nghiên cứu của các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu theo quy định, các hợp đồng chuyển giao công nghệ hoặc các thỏa thuận hợp tác về khoa học và công nghệ.
Về phát triển công nghiệp CNC, triển khai các hoạt động ứng dụng CNC nhằm tăng giá trị sản xuất công nghiệp CNC đạt từ 10 – 15% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp và tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm CNC đạt ít nhất 10% trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của tỉnh. Có ít nhất 5 dự án ứng dụng/DN được công nhận là dự án ứng dụng/DN CNC.
Đối với phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, nâng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đến năm 2030 chiếm 10% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh; trên 10% hộ sản xuất, trên 20% DN ứng dụng các biện pháp kỹ thuật mang tính CNC về giống, quy trình canh tác, công nghệ sau thu hoạch. Đồng thời, hình thành ít nhất 5 vùng sản xuất nông nghiệp CNC đối với sản phẩm chủ lực của tỉnh và một số ngành hàng có tiềm năng (lúa gạo, xoài, hoa kiểng, cá tra, vịt, cây có múi, nhãn, rau,…); có ít nhất 10 DN được công nhận là DN nông nghiệp ứng dụng CNC; có ít nhất 30 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng CNC; có ít nhất 5 dự án ứng dụng CNC, sản xuất tiên tiến cơ giới hóa toàn diện, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, bảo quản và chế biến; canh tác hữu cơ, canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu, sản xuất tuần hoàn được đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, hình thành 1 khu nông nghiệp ứng dụng CNC phục vụ chọn tạo, nhân giống cây trồng, giống vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao; bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp; phát triển DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển dịch vụ CNC phục vụ nông nghiệp.
Nguồn: Báo mới