Làm thế nào để phòng trừ rầy nâu hiệu quả?

Cây lúa được xem là cây lương thực chính của nước ta. Việt Nam đứng hàng thứ 2 trên thế giới (chỉ sau Thái Lan) về xuất khẩu gạo. Chính vì vậy việc quản lý sâu bệnh hại trên cây lúa là một vấn đề rất quan trọng, đặc biệt là bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá (VL-LXL) do rầy nâu là tác nhân truyền bệnh chính, nếu tỉ lệ bệnh nặng ( >70%) có thể gây mất mùa nghiêm trọng.

Rầy nâu trưởng thành màu nâu có 2 dạng cánh: Cánh dài phủ kín bụng và cánh ngắn phủ khoảng 2/3 thân. Hai dạng cánh này đơn thuần là sự biến đổi về hình thái, thể hiện điều kiện môi trường thuận lợi nhiều hay ít. Nếu môi trường bình thường sẽ xuất hiện rầy cánh dài với tỉ lệ đực cái là 1:1, còn trong điều kiện môi trường thuận lợi thì xuất hiện rầy cánh ngắn với tỉ lệ đực cái là 1:3.

Vòng đời và hình thái rầy nâu (Ảnh: thaibinhseed)

Rầy nâu với vòng đời dao động từ 28 – 30 ngày tùy theo điều kiện môi trường. Là loại thích sống quần tụ và khả năng sống quần tụ cao. Cả rầy non và trưởng thành đều không thích ánh sáng trực xạ nên rầy nâu sống gần gốc lúa, chích hút ngay thân lúa, chỉ khi râm mát rầy trưởng thành mới có ở trên mặt tán lá. Khi bị động rầy có thể nhảy lên các bộ phận khác của cây hoặc rơi xuống nước. Rầy có cánh có xu tính với ánh sáng, vì vậy có thể căn cứ vào lượng rầy tập trung vào ánh sáng đèn (bẫy đèn, đèn đường hoặc đèn gia đình) để xác định mật số rầy nâu.

Vì vậy để phòng trừ rầy nâu hiệu quả cần lưu ý:

1. Điều kiện thích hợp cho rầy nâu phát sinh gây hại nhiều là do các nguyên nhân sau: sử dụng giống nhiễm rầy, lúa sạ quá dày, bón phân đạm nhiều, thời tiết nóng, có những đợt mưa ngắn và thiên địch trên đồng ruộng ít.

2. Sâu bệnh hại và các loài thiên địch có mối tương quan tỉ lệ thuận với nhau, tạo nên sự cân bằng chặt chẽ cho hệ sinh thái trên đồng ruộng. Thiên địch của rầy nâu gồm rất nhiều loài, phổ biến nhất là bọ xít mù xanh, bọ rùa đỏ, nhện ăn mồi Lyscosa, nấm tua và nhiều loại ong ký sinh trên trứng rầy. 

Các loài thiên dịch của rầy nâu (Ảnh: thaibinhseed)

– Nếu số lượng rầy nâu ít, gây hại không đáng kể thì chỉ cần chăm sóc cây lúa bình thường và tiếp tục điều tra theo dõi.

– Nếu số lượng rầy nâu trung bình (gần hoặc bằng ngưỡng phòng trừ: 3 con/tép) trở lên, thì cần xem xét kỹ tình hình thiên địch. Nếu thiên địch nhiều gấp rưỡi so với rầy nâu thì cần điều chỉnh các biện pháp canh tác (ứng dụng công nghệ sinh thái để quản lý rầy nâu trên ruộng lúa,…) nhằm thay đổi điều kiện thuận lợi tránh rầy nâu tiếp tục phát triển và tăng sức chống chịu, bồi bổ thêm cho cây lúa. Trong trường hợp số lượng thiên địch ít hơn thì cần tiến hành phòng trừ ngay, tuy nhiên nên chọn các loại thuốc trừ rầy ít hại thiên địch chẳng hạn như: LOUGENT 450SC (Buprofezin 499g/L + Thiosultap-Sodium Nereistoxin 1g/L), RẦY XANH 200WP(Imidacloprid 10% + Lamda Cyhalothrin 5% + Thiamethoxam 5%), VUA RẦY 10WP (Buprofezin 6,7% + Imidaclopridagc 3,3%), SIÊU SÂU 95WP (Thiosultap-sodium 95%), LEAFROLL (Emamectin benzoate 38g/L) …

Các sản phẩm thuốc BVTV giúp kiểm soát và phòng trừ rầy nâu hiệu quả

Các loại thuốc trừ rầy trên thị trường hiện nay đa phần thuộc nhóm điều tiết sinh trưởng, làm rầy nâu không thể lột xác mà chết. Ngoài ra cũng có các loại thuốc tác động trực tiếp, dạng tiếp xúc, vị độc, xông hơi. Cũng không nên mong muốn tiêu diệt hoàn toàn mà chỉ cần tiêu diệt được trên 80% rầy nâu, làm giảm mật số xuống dưới ngưỡng phòng trừ là đạt hiệu quả đồng thời giảm thiểu chi phí phòng trị.

Tuy nhiên việc sử dụng thuốc cần tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng, phun xịt hợp lí theo từng thời điểm và giai đoạn của cây lúa. Cây lúa từ giai đoạn đẻ nhánh tới đòng, trổ, cần thăm đồng, theo dõi thường xuyên để có biện pháp phòng trị kịp thời. Không nên phun thuốc trừ sâu, rầy trong vòng 30 ngày sau khi sạ, vì đây là khoảng thời gian thiên địch tích lũy, phát triển trên ruộng.

Có thể áp dụng các biện pháp giúp thiên địch phát triển như giữ nước nông trong ruộng, gieo cấy với mật độ thích hợp… đồng thời cũng giúp hạn chế rầy nâu, chuột, cỏ dại và các loại bệnh trên lúa.

3. Cũng có thể căn cứ vào lượng rầy nâu vào bẫy đèn để dự đoán thời điểm di chuyển của rầy nâu trưởng thành, từ đó bố trí thời điểm xuống giống phù hợp, tốt nhất là nên gieo sạ sau khi lượng rầy vào đèn đạt đỉnh cao nhất, tuy nhiên vòng đời rầy nâu còn thay đổi theo thời tiết và nguồn thức ăn tại chỗ (cây lúa còn xanh tươi hay không)…vì vậy việc sử dụng bẫy đèn để bố trí thời vụ cũng khó có thể chính xác tuyệt đối.

Sử dụng bẫy đèn trong phòng trừ rầy nâu (Ảnh: V.TR.)

Mặt khác để phòng trừ rầy nâu cần nắm rõ: thuốc hóa học nên là giải pháp cuối cùng để phòng trừ rầy nâu. Nhưng quan trọng là nên chú ý kết hợp dùng thuốc hóa học với các biện pháp khác như: sử dụng các giống kháng rầy như OM 3536, IR 50404,… gieo sạ với mật số thích hợp, không bón phân đạm quá nhiều, bảo vệ nguồn thiên địch; …, cần đảm bảo vệ sinh đồng ruộng nhằm tránh lây nhiễm nguồn bệnh và chú trọng việc thăm đồng thường xuyên để phát hiện kịp thời rầy nâu nói riêng và sinh vật hại nói chung./.