Đất trồng rau của trang trại được cải tạo rất bài bản từ việc trộn bùn ao nuôi thủy sản hữu cơ với trấu hun và phân giun quế, phơi nắng 4 – 6 tháng…
Trang trại của chị Lê Thị Ánh Tuyết (phường Hà Phong, TP. Hạ Long, Quảng Ninh) sử dụng phân giun quế sản xuất rau hữu cơ đạt chất lượng cao.
Đây là một trong những mô hình trồng rau đầu tiên ở TP. Hạ Long sản xuất theo hướng hữu cơ, đang được người tiêu dùng ghi nhận và đánh giá cao. Chị Tuyết cho biết, rau được sản xuất theo quy trình theo hướng hữu cơ trên mô hình trang trại khép kín, sử dụng bón phân giun quế.
Từ năm 2013, trang trại của chị Tuyết bắt đầu xây dựng mô hình nuôi giun quế để sản xuất phân bón. Chị đã tìm ra nguồn thức ăn cho giun quế là các phế phụ phẩm nông nghiệp, được trộn ủ bằng chế phẩm sinh học để thay thế nguồn thức ăn chính của gian quế là phân bò.
Năm 2018, sau thời gian dài nghiên cứu, thử nghiệm, cuối cùng trang trại đã thành công trong việc tìm các loại nguyên vật liệu, phế phẩm nông nghiệp, sinh hoạt hàng ngày để ủ làm thức ăn cho giun quế một cách hiệu quả thay thế phân bò.
Đồng thời, trang trại còn sử dụng men vi sinh và các vật tư của chương trình khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch của Dự án JICA hỗ trợ cho Quảng Ninh để tăng cường chất lượng sản phẩm.
Nhờ đó, tới thời điểm này, công suất sản xuất phân giun quế của trang trại đã ổn định, đạt từ 7 – 10 tấn/tháng, đủ để cung cấp cho thị trường và sử dụng cho canh tác của trang trại.
Đối với trồng rau theo hướng hữu cơ, việc chuẩn bị, làm đất trồng và sử dụng phân giun quế để bón là khâu quan trọng nhất. Với nguồn phân sẵn có, chị Tuyết đã quyết định cải tạo khoảng đất rộng 2.000 m2 bằng cách nâng cao nền khu đất, lấy nguồn bùn từ ao nuôi cá (ao nuôi theo mô hình hữu cơ) và trộn với mùn cưa và trấu hun (trong điều kiện yếm khí), rồi phơi nắng trong khoảng từ 4 – 6 tháng.
Sau đó, đất được đánh luống trộn với phân giun quế theo tỷ lệ 1:1. Các giống rau chủ yếu được lựa chọn để trồng là các loại rau theo mùa như cải, cà chua, bí, xà lách, rau muống…
Để nâng cao chất lượng sản phẩm, trang trại còn đầu tư khoảng 120 triệu đồng cho hệ thống nhà lưới cao khoảng 3,2m, rộng khoảng 800 m2, có hệ thống lưới đen ngăn côn trùng, hệ thống tưới nước sạch tự động…
Với lợi thế từ nguồn phân bón từ phân giun quế, các loại rau được canh tác phát triển tốt, cho thu hoạch sau khoảng một hoặc hai tháng tùy chủng loại, rau có chất lượng cao.
Chị Tuyết chia sẻ, để xua đuổi, diệt côn trùng, sâu bệnh, chị dùng thuốc trừ sâu sinh học làm từ tỏi, gừng, riềng và một số loại cây củ có tính cay, nóng, có mùi hắc ngâm với rượu trong khoảng 1 tháng. Phải phun liên tục theo chu kỳ 2 – 3 ngày/lần khi cây rau trưởng thành.
Ưu điểm lớn nhất của mô hình là các chế phẩm phân bón, thuốc trừ sâu bệnh được sử dụng đều thân thiện với môi trường, trồng cấy quanh năm. Khi cây đủ lớn, có thể thu hoạch bất cứ lúc nào. Hiện trang trại của chị chỉ nhận sản xuất rau theo đơn đặt hàng của khách. Cụ thể, khách hàng sẽ đặt số lượng rau trong 1 tháng và trang trại của chị sẽ cung cấp đủ theo đơn đặt hàng với giá 50.000 đồng/kg.
Lý giải việc chỉ nhận sản xuất theo đơn khách đặt hàng, chị Tuyết cho biết, để có sản phẩm rau sản xuất theo quy trình hữu cơ, đòi hỏi rất nhiều điều kiện cũng như quy trình trồng cần đảm bảo đầy đủ các yếu tố của nông nghiệp hữu cơ, nên rau của trang trại không có được mức tăng trưởng nhanh như ở các cơ sở sản xuất nông nghiệp thâm canh.
“Bên cạnh đó, việc sản xuất cần hàng loạt các chi phí khiến giá sản phẩm ở mức cao. Chính vì vậy, giá thành là một trở ngại lớn khiến người tiêu dùng phải lựa chọn, không phải ai cũng có điều kiện để bỏ ra một số tiền lớn gấp 2 – 3 lần để dùng rau hữu cơ”, chị Tuyết tâm sự.
Sắp tới, trang trại của chị Tuyết sẽ tập trung đầu tư về hạ tầng, công nghệ để chuyên trồng rau hữu cơ, gia tăng chất lượng, giá trị của sản phẩm rau hữu cơ, phân biệt với các loại rau khác.
Nguồn: Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam